'Uống nhầm một ánh mắt...' - Câu thơ Việt thành tên truyện ngôn tình Trung Quốc
TTO - Câu thơ 'Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời' của tác giả Thục Linh đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2004, về sau lại được dùng làm tên sách dịch ngôn tình Trung Quốc và nổi tiếng trên mạng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 9-11, tác giả Thục Linh (tên thật Trần Vương Thuấn) khẳng định có sự giống nhau giữa hai câu thơ của anh "Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời" (trong bài Treo tình năm 2004) và tên bộ sách hai tập "Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời" của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ (Trung Quốc), trong bản dịch của Thu Ngân do Amunbooks và NXB Văn học ấn hành.
Bài thơ Treo tình của Thục Linh được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 12-3-2004, khi tác giả là sinh viên năm thứ ba của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM.
Tác giả Thục Linh nói với Tuổi Trẻ Online: "Tôi vừa biết sự việc vào hôm qua, khi một người bạn báo tin. Tôi ngạc nhiên và viết bài đính chính trên trang cá nhân. Một người bạn thường nghiên cứu mạng xã hội Trung Quốc cũng cho tôi biết là câu thơ này hay được trích dẫn trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
'Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời' là theo một dị bản vốn lưu truyền trên Internet lâu nay, từng xuất hiện trong một bài hát của một nhạc sĩ Việt Nam nhưng tôi chỉ cười cho qua. Nhưng lần này, tôi phải lên tiếng".
Về bộ sách dịch do Amunbooks và NXB Văn học ấn hành, tác giả Thục Linh nêu quan điểm: "Về phía xuất bản, tôi muốn họ thông báo rộng rãi việc mượn thơ làm tựa đề, chứ không phải là tên sách gốc, và trong những lần xuất bản sau phải chú thích rõ ràng tác giả của câu thơ lấy làm tiêu đề".
Mặc dù vậy, Thục Linh thừa nhận không nắm rõ tên sách gốc của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ nên chưa thể nhận định cách dịch tiêu đề này là chuẩn xác hay người dịch "mượn" câu thơ của Việt Nam. Việc câu chữ bị đổi từ "nửa đời" sang "cả đời" cũng làm thay đổi ý nghĩa.
"Tôi không thích hai câu thơ bỗng thuộc về một tác giả Trung Quốc. Tôi không có ý định kiện cáo, nhưng nếu tôi không viết điều này ra, thì vài năm nữa, khi nghe người trẻ nào đó nói "một tác giả Trung Quốc viết 'uống nhầm một ánh mắt'", chắc tôi sẽ rất giận mình vì đã im lặng gãi đầu cười" - tác giả Thục Linh chia sẻ trên trang cá nhân.
"Uống nhầm một ánh mắt" không phải tiêu đề đầu tiên của bản dịch
Theo lời giới thiệu trên trang web của công ty Amunbooks, Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời là tác phẩm đầu tiên của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ được xuất bản tại Việt Nam vào năm 2020.
Trước đó, cuốn sách được biết đến những tiêu đề trên mạng "Ai nghe chăng tiếng đàn định mệnh" hay "Ý tại ngôn ngoại".
Trả lời Tuổi Trẻ Online về sự việc trên, bà Hải Ngọc - phụ trách sản xuất Amunbooks - cho biết: "Cuốn sách của tác giả Lạc Vi Gian Mỗ Mỗ được mua bản quyền của Trung Quốc với tên sách gốc là 弦外之音 (Huyền ngoại tri âm).
Trong quá trình biên tập tác phẩm, biên tập viên của Amun đã đề xuất đặt tên mới cho tác phẩm để thu hút độc giả hơn và đề xuất tứ thơ như tên sách hiện tại đã được xuất bản: "Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời".
Kèm theo đề xuất, biên tập viên đặt chú thích lên trang bản quyền cuốn sách về nguồn của tứ thơ là sưu tầm trên mạng".
Sáng 9-11, bà Hải Ngọc đã liên hệ với tác giả Thục Linh để xin lỗi vì "không tìm hiểu tận gốc vấn đề bản quyền của tứ thơ trên trong quá trình đặt tên cho tác phẩm".
Về cách xử lý, bà Hải Ngọc cho biết: "Chúng tôi sẽ ngay lập tức làm rõ thông tin về tên sách trên các phương tiện truyền thông của Amun và sẽ sửa thông tin đầy đủ khi tác phẩm này được tái bản. Chúng tôi mong gặp tác giả để gửi lời xin lỗi trực tiếp đến anh chứ không chỉ qua email hay trên các phương tiện truyền thông của đơn vị".
Treo tình
Uống lầm một ánh mắt
Cơn say theo nửa đời
Đôi khi quờ tay lạnh
Tình treo trên ghế ngồi
Người về qua phố cũ
Hoa một mùa cạn hương
Người không về phố cũ
Tình treo trong giáo đường
Qua rất nhiều tất bật
Tôi cũ hơn câu thơ
Người ngược xuôi quên nhớ
Tình treo ngay giấc mơ
Rồi đi, đi, đi hút
Chân mỏi cuộc lữ hành
Đám đông reo trên phố
Tình treo trong vinh danh
Hôm nay mười năm chẵn
Tình thắt dây xà nhà.
Comments
Post a Comment